Toyota hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam làm linh kiện ô tô

toyota ho tro viet nam lam linh kien o to

Với biên bản ghi nhớ, Bộ Công thương và Toyota Việt Nam sẽ tham gia hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất linh phụ kiện ô tô của Việt Nam có tiềm năng để nâng cao năng lực tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.

Ngày 17-5, Cục Công nghiệp (Bộ Công thương) và Công ty ô tô Toyota Việt Nam đã tổ chức lễ ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác hỗ trợ doanh nghiệp trong nước trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô.

Thỏa thuận hợp tác giữa Bộ Công thương và Toyota Việt Nam được thực hiện thí điểm từ năm 2020, theo biên bản ghi nhớ ký kết năm 2020. Trên cơ sở kết quả đạt được, trong năm nay hai bên chính thức ký kết biên bản ghi nhớ với mục tiêu mở rộng và thiết thực hóa các hoạt động hợp tác.

Theo đó, hai bên sẽ tập trung hợp tác nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất linh kiện ô tô trong nước để tăng năng lực, tăng liên kết với các nhà lắp ráp ô tô.

Đơn cử như sàng lọc các doanh nghiệp sản xuất tiềm năng về phụ tùng, linh kiện để kết nối với nhà sản xuất, lắp ráp ô tô, tổ chức các buổi làm việc và thăm thực tế nhà cung cấp nội địa; tìm kiếm hỗ trợ nhà cung cấp tiềm năng cấp 2 và cấp 3; hỗ trợ đào tạo…

Để thực hiện, Toyota sẽ cung cấp các tiêu chí cơ bản làm căn cứ cho Bộ Công thương sàng lọc dữ liệu doanh nghiệp phù hợp, sau đó đánh giá sơ bộ nhà cung cấp, hỗ trợ làm việc, hậu cần, chuyên gia tư vấn. Bộ Công thương sẽ hỗ trợ pháp lý, cung cấp tư vấn viên, danh sách nhà cung cấp tiềm năng, hỗ trợ đào tạo…

Ông Phạm Tuấn Anh – phó cục trưởng Cục Công nghiệp – cho rằng việc thiếu sự liên kết giữa doanh nghiệp Việt Nam và các FDI không chỉ gây ảnh hưởng đến việc phát triển sản xuất và tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn, mà sẽ còn tiếp tục ảnh hưởng sâu rộng trong dài hạn.

“Việc phát triển công nghiệp hỗ trợ, tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp FDI có chiến lược phát triển lâu dài và hình thành chuỗi cung ứng trong nước là một trong những vấn đề cốt lõi để phát triển bền vững công nghiệp Việt Nam trong dài hạn” – ông Tuấn Anh nhấn mạnh.

Trong khi đó, tổng giám đốc Công ty Ô tô Toyota Việt Nam Hiroyuki Ueda cho rằng lợi thế của ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam là nguồn nhân lực chất lượng cao, giá nhân công thấp.

Tuy nhiên, ông cũng chỉ ra những khó khăn để phát triển là năng lực cung ứng hạn chế, sản lượng sản xuất còn nhỏ. Công nghiệp vật liệu chất lượng cao chưa có nên nguyên liệu phải nhập khẩu.

“Các doanh nghiệp Việt Nam còn hạn chế về mặt kinh nghiệm và năng lực quản trị sản xuất nên chi phí sản xuất linh kiện của Việt Nam cao hơn nhiều, gấp 2 – 3 lần so với các nước trong khu vực” – ông Hiroyuki Ueda cho hay.

Do đó, trong nhiều năm qua, Toyota thực hiện chính sách hỗ trợ đối với các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, góp phần gia tăng tỉ lệ nội địa hóa.

Đơn cử như năm 2018, doanh nghiệp đã thành lập bộ phận chức năng chuyên trách, đào tạo và phát triển nhân sự cho nhà cung cấp, nên hiện đã có 46 nhà cung cấp nội địa, trong đó có 6 nhà cung cấp thuần Việt.

Nguồn: tuoitre